LabVIEW Vietnam

cancel
Showing results for 
Search instead for 
Did you mean: 

Thiết bị đo lường cho “thế hệ Y”

Thiết bị đo lường cho “thế hệ Y”

Sự đam mê về công nghệ của “thế hệ Y” sẽ sản sinh ra những thế hệ thiết bị đo lường để bàn mới.

Mỗi thế hệ kỹ sư đều chứng kiến sự ra đời của những thế hệ thiết bị đo lường khác nhau. Thế hệ “bùng nổ dân số” (Baby Boomers) (sinh ra trong những năm 1940’s tới 1960’s) sử dụng những máy dao động ký dùng tia cathode và đồng hồ đo đa năng hiển thị bằng kim, mà ngày nay chúng ta thường gọi là “thiết bị đo tương tự”. “Thế hệ X” (ra đời từ những năm 1960’s tới 1980’s) trải qua cùng với những thiết bị đo số sử dụng bộ chuyển đổi tín hiệu từ tương tự sang số và màn hình đồ họa. “Thế hệ Y” (sinh ra từ những năm 1980’s tới 2000’s) đang bước vào thị trường lao động với những ý tưởng mới về các thế hệ thiết bị đo lường tiếp theo.

“Thế hệ Y” lớn lên trong một thế giới bao quanh bởi công nghệ. Từ máy tính, tới Internet, và bây giờ là những thiết bị di động, công nghệ này đang phát triển với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết. Một báo cáo gần đây của Cisco đã chỉ ra mối quan hệ giữa “thế  hệ Y” và những công nghệ mà thế hệ này đang sử dụng:

  • Điện thoại thông minh phổ biển gấp 2 lần máy tính để bàn
  • 1/3 trong số họ cho biết, cứ mỗi 30 phút họ lại kiểm tra điện thoại thông minh của họ ít nhất một lần
  • 80% trong số họ sử dụng ít nhất 1 ứng dụng thường xuyên
  • 2/3 trong số trong số họ bỏ thời gian với bạn bè trên mạng bằng hoặc nhiều hơn  thời gian để gặp gỡ trực tiếp bạn bè

Thế hệ Y có một sự ám ảnh về công nghệ. Họ chấp nhận sự thay đổi và nhanh chóng thích nghi với công nghệ mới bởi vì họ hiểu được lợi ích mà công nghệ mang lại. Sự sáng tạo của những thiết bị điện tử mà thế hệ Y sử dụng hàng ngày diễn ra nhanh hơn so với những thiết bị đo mà họ sử dụng trong công việc. Trên thực tế, những thiết bị đo dường như không có sự thay đổi nào trong suốt những năm qua. Những thành phần như màn hình, vi xử lý, bộ nhớ, hệ thống đo, những nút điều khiển được tích hợp trên một thiết bị duy nhất hoạt động độc lập.

Instrumentation Revolution.png

Những thiết bị đo hiện tại đang dần đạt tới sự hoàn thiện, thế hệ Y sẽ đòi hỏi rằng những công nghệ hiện đại sẽ phải được tích hợp vào những thiết bị đo mới. Những thiết bị đo của thế hệ Y này sẽ gắn liền với công nghệ cảm ứng, thiết bị đi động, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo để tạo ra những lợi thế vượt trội so với những thiết bị đo lường thế hệ trước đó.

Công nghệ cảm ứng

Theo Frost và Sullivan, “các kỹ sư sẽ liên tưởng khái niệm về giao diện trên thiết bị đo với giao diện trên các thiết bị điện tử tiêu dùng mà họ sử dụng hàng ngày”. Giao diện màn hình cảm ứng trong các thiết bị di động ngày nay đem đến những trải nghiệm khác biệt so với các thiết bị đo lường cổ điển với đầy những nút điều khiển. Chúng thực sự không đáp ứng được yêu cầu của thế hệ Y.

Khi một thiết bị được đưa thêm vào những tính năng mới, chúng cũng sẽ được thêm vào những nút điều khiển mới để hỗ trợ cho tính năng này. Tuy nghiên, phương pháp này không mở rộng được. Đến một lúc nào đó, những nút điều khiển này trở nên không hiệu quả và quá nhiều. Một vài thiết bị đã cố gắng giải quyết vấn đề này bằng hệ thống thực đơn (menu) đa lớp và “những nút điều khiển mềm” cho các chức năng thay đổi thường xuyên. Tuy nhiên, sự phức tạp của những hệ thống này đã đem đến những vấn đề khác trong việc sử dụng. Phần lớn những kỹ sư ở thế hệ Y sẽ nhận xét những thiết bị đo lường ngày nay là cồng kềnh.

Một thiết bị đo lường bỏ đi những nút điều khiển này và sử dụng màn hình cảm ứng như phương tiện để giao tiếp sẽ giúp giải quyết những thách thức nói trên. Thay vì đưa ra toàn bộ các chức năng điều khiển, màn hình cảm ứng có thể đơn giản hóa việc giao tiếp bằng cách linh hoạt đưa ra những nội dung và những chức năng cần thiết cho tác vụ hiện tại. Người dùng cũng có thể tương tác với dữ liệu trực tiếp trên màn hình thay vì sử dụng các nút điều khiển. Giao diện màn hình cảm ứng là thay thế hiệu quả và tương tác cho các nút điều khiển.

Thiết bị di động

Tận dụng tài nguyên phần cứng của các thiết bị di động, thiết bị đo có thể sử dụng lợi thế của các linh kiện tốt hơn và công nghệ mới hơn.

Cách tiếp cận này rất khác so với những thiết bị đo lường hiện nay. Quá trình xử lý và giao tiếp sẽ được điều khiển bởi ứng dụng chạy trên những nền tảng di động. Khi không có những nút điều khiển hay màn hình hiển thị, phần cứng của thiết bị đo lường sẽ được tinh giản chỉ đề dành cho đo lường và quản lý xung đồng hồ của hệ thống. Và kết quả là thiết bị sẽ có kích cỡ nhỏ hơn và giá thành thấp hơn. Người sử dụng sẽ không bị giới hạn bởi những màn hình bé, bộ nhớ trong nhỏ, và tốc độ xử lý thấp. Họ sẽ tận dụng được màn hình rộng hơn, bộ nhớ lưu trữ tới hàng gigabytes và công nghệ đa nhân. Sử dụng thêm camera, microphone và những cảm biến gia tốc kế tích hợp sẵn trong thiết bị di động, người dùng có thể thực thi những tính năng mới như ghi lại hình ảnh của quy trình kiểm thử hay ghi chú bằng âm thanh cho các dữ liệu thu được. Người sử dụng thậm chí có thể phát triển những ứng dụng của riêng mình để đáp ứng nhu cầu của họ.

Các thiết bị truyền thống hoàn toàn có thể tích hợp thêm các linh kiện tốt hơn. Tuy nhiên, tốc độ thay đổi sẽ chậm hơn nhiều so với thiết bị di động. Điện tử dân dụng có chu kỳ nâng cấp nhanh hơn, thị trường lớn hơn. Các thiết bị đo tận dụng công nghệ điện tử dân dụng sẽ có công nghệ tốt hơn với giá thành thấp hơn.

Công nghệ điện toán đám mây

Đa phần các kĩ sư đang chuyển dữ liệu từ thiết bị đo sang máy tính qua cổng USB hay Ethernet. Việc này là rất bình thường. Tuy nhiên, các kĩ sư thế hệ Y mong đợi rằng họ có thể truy cập dữ liệu ngay lập tức thông qua công nghệ điện toán đám mây. Những dịch vụ như Dropbox hay iCloud lưu dữ liệu trong điện toán đám mây và tự động đồng bộ tất cả dữ liệu trên các thiết bị. Mạng WiFi và mạng điện thoại di động sẽ giúp người dùng liên tục kết nối với đám mây, vì thế họ có thể truy cập và chỉnh sửa dữ liệu từ bất kì nơi nào tại bất cứ thời điểm nào. Bên cạnh việc lưu trữ dữ liệu trên đám mây, một số dịch vụ còn cung cấp những ứng dụng chạy trực tiếp trên đám mây. Ví dụ như Google Docs, người dùng có thể đồng thời tương tác và chỉnh sửa dữ liệu từ bất kì nơi đâu.

Thiết bị đo tích hợp mạng và khả năng kết nối đám mây có thể cung cấp những lợi ích này cho các kỹ sư. Cả dữ liệu lẫn giao diện người dùng có thể được truy cập bởi nhiều kỹ sư từ nhiều nơi trên thế giới. Trong khi giải quyết một vấn đề với một đồng nghiệp ở một nơi khác, thay vì chia sẻ các màn hình dữ liệu tĩnh, các kỹ sư có thể tương tác với thiết bị đo trong thời gian thực để tìm hiểu vấn đề tốt hơn. Công nghệ đám mây có thể cải thiện được hiệu quả và năng suất của cả đội ngũ kỹ thuật.

Trí tuệ nhân tạo

Công nghệ “nhận dạng tình huống” đang nổi lên và có thể thay đổi cơ bản cách chúng ta giao tiếp với các thiết bị. Công nghệ này sử dụng những thông tin về môi trường và tình huống cụ thể để đoán biết trước được yêu cầu cùa người dùng và cung cấp những nội dung, tính năng và những trải nghiệm phù hợp với tình huống. Một ví dụ phổ biến là phần mềm Siri dành cho thiết bị của Apple. Người dùng có thể đưa ra câu hỏi trực tiếp cho Siri, và nó sẽ thực hiện theo lệnh của người dùng hoặc đưa ra lời hướng dẫn. Google Now cũng cung cấp những tính năng tương tự như Siri, nhưng nó cũng đưa ra thông tin mà nó nghĩ người dùng có thể mong muốn dựa trên vị trí địa lý và dữ liệu tìm kiếm, ví dụ như: thông tin thời tiết, khuyến cáo về giao thông vào buổi sáng; nhắc về các cuộc họp; thông tin về chuyến bay và vé lên máy bay xuất hiện tự động.

Khi trí tuệ nhân tạo được kết hợp với những thiết bị đo lường sẽ tạo ra những sự khác biệt. Một thách thực mà các kĩ sư đang gặp phải là họ cần thay đổi cấu hình của thiết bị đo lường tại thời điểm mà tay của họ vẫn đang giữ những que đo. Trong trường hợp này, điều khiển giọng nói không chỉ cung cấp khả năng giao tiếp mà nó cũng đưa ra sự thuận tiện khi giao tiếp với các tính năng khác nhau của thiết bị đo. Thêm vào đó, khả năng dự đoán trước sẽ chọn lọc và đưa ra những thông tin liên quan. Dao động ký sẽ tự động phóng to hình ảnh và thiết lập cấu hình tương thích với tín hiệu hoặc nó có thể đo thêm những thông số khác dựa trên dạng sóng của tín hiệu. Thiết bị đo lường tận dụng những tính năng của thiết bị di động có thể tính hợp và tận dụng lợi thế của công nghệ “nhận dạng tình huống” khi nó đã phát triển.

Sự đột phá của thế hệ Y

Những công nghệ trên các thiết bị điện tử tiêu dùng đang phát triển vượt bậc và tác động, ảnh hương tới những mong đợi của thế hệ Y. Khi ngày càng nhiều kỹ sư của thế hệ Y gia nhập vào thị trường lao động, sẽ chỉ là thời gian trước khi những mong đợi của họ được đáp ứng trên những thiết bị đo lường mà họ sử dụng trong công việc. Những công nghệ đột phá này không chỉ cung cấp những lợi ích lớn cho thiết bị đo lường, những kỹ sư thế hệ Y sẽ tận dụng nó để giải quyết các thử thách nhanh hơn những gì mà các thế hệ trước từng nghĩ tới.

NI VirtualBench All-in-One Instrument

http://www.ni.com/virtualbench/

NI VirtualBench.PNG

Tác giả: Chris Delvizis - Product Manager at National Instruments

Người dịch:        

  • Phạm Quốc Hùng – National Instruments (Tel: (08) 39113150, Mobile: 0932529288, Email: quochung.pham@ni.com)
  • Nguyễn Trọng Nhân – National Instruments
Message 1 of 1
(5,632 Views)